13/10/2021

Động lực thúc đẩy đà tăng giá bất động sản khu Đông TPHCM

Quỹ đất rộng, hạ tầng được đầu tư hiện đại cùng dấu mốc thành lập TP Thủ Đức là những "đòn bẩy" để bất động sản khu Đông TPHCM và vùng vệ tinh tăng trưởng.

Mặt bằng giá bất động sản khu Đông TPHCM liên tục tăng cao

Nhìn lại những dấu ấn của thị trường bất động sản trong hơn 10 năm thăng trầm (2010-2021) có thể thấy, khu vực phía Đông TPHCM đã có bước phát triển cả về quy mô, số lượng, cơ cấu sản phẩm, nguồn vốn đầu tư cũng như các chủ thể tham gia thị trường. Là một trong những khu vực có lợi thế tại TPHCM, bất động sản phía Đông luôn duy trì tốc độ tăng trưởng.

Năm 2014, sau giai đoạn khủng hoảng chung của thị trường, bất động sản khu Đông bước vào chu kỳ phục hồi và tăng trưởng mạnh trở lại. Báo cáo của các đơn vị nghiên cứu thị trường cho thấy, năm 2015, hoạt động mua bán biệt thự và nhà phố đã diễn ra sôi nổi tại các quận phía Đông, với nguồn cung chiếm tới 72% tổng sản phẩm trên địa bàn TPHCM. Riêng năm 2020, nguồn cung phân khúc nhà phố/biệt thự tại khu Đông vẫn dẫn đầu thị trường với thị phần 55%, tỷ lệ tiêu thụ đạt 60%.

Về giá bán, hiện tượng tăng giá của bất động sản khu Đông, cụ thể tại TP Thủ Đức và quận 2 được CBRE ghi nhận từ năm 2017 cho đến nay với mức tăng đều đặn của quý sau so với quý trước 16-40%.

Báo cáo nguồn cung và tiêu thụ loại hình nhà phố, biệt thự tại khu Đông TPHCM (Nguồn: DKRA Vietnam).

Bước sang năm 2021, đặc biệt từ quý II đến quý III, khi dịch Covid-19 tác động mạnh đến khu vực phía Nam, giá bán bất động sản khu vực này vẫn ghi nhận mức tăng mới. Báo cáo thị trường bất động sản của JLL quý III/2021 cho thấy giá bán sơ cấp trung bình của nhà liền thổ tại TPHCM và các tỉnh lân cận tăng 15,7% theo năm và tăng nhẹ 2,2% theo quý. Tuy nhiên, đối với các dự án tích hợp quy mô lớn được đầu tư bài bản ở Đồng Nai, mức tăng điển hình ghi nhận lên đến 4-7%.

Nguồn cung chiếm thị phần lớn, giá bán tăng đều đặn giúp bất động sản khu Đông sớm thu hút sự tham gia của nhiều ông lớn địa ốc như Vinhomes, Novaland, Nam Long, Masterise Homes… Cùng với đó, các đại dự án quy mô lên tới hàng nghìn hecta hay những khu đô thị tích hợp, được quy hoạch bài bản dần hiện hữu nhằm đáp ứng tiêu chuẩn sống cao cấp của cư dân. Những dự án này đã và đang góp phần đẩy dòng tiền chảy vào bất động sản khu vực.

Suốt 10 năm qua, mặc dù thị trường trải qua nhiều thăng trầm, nhưng giá bán, số lượng dự án, quy mô thị trường cho thấy bất động sản khu Đông đã đạt được nhiều bước tiến lớn. Những yếu tố đó cộng hưởng góp phần kiến tạo một bộ mặt mới cho khu Đông, trở thành khu vực sôi động và tăng trưởng tốt tại thị trường bất động sản Sài Gòn. Sau suốt chặng đường tăng trưởng đó, đâu sẽ là động lực mới của bất động sản khu Đông trong chu kỳ tiếp theo?

Sức nóng lan tỏa sang khu vực lân cận

Theo quy hoạch nhà ở TPHCM đến 2030 hiện ưu tiên phát triển nhà ở cao tầng. Nguồn cung nhà thấp tầng dự kiến sẽ tiếp tục khan hiếm và tập trung chủ yếu ở ngoại thành do vùng trung tâm quỹ đất ngày càng cạn. Chính vì thế các thị trường lân cận khu Đông được kỳ vọng sẽ tiếp tục giữ vị thế chủ lực, nhất là khi hạ tầng giao thông khu vực này đang được đầu tư phát triển hiện đại.

Hầu hết các dự án hạ tầng giao thông quan trọng của TPHCM hiện đều đi qua hoặc nằm cận kề khu Đông. Điển hình như: sân bay Long Thành chính thức khởi công vào quý I/2021, tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên hoàn thành khoảng 87% tính đến đầu tháng 7/2021, đề xuất mở rộng cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây lên 12 làn xe, hầm Thủ Thiêm, cao tốc Long Thành - Dầu Giây, cầu Sài Gòn 2, đại lộ Phạm Văn Đồng, đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - sân bay Long Thành cùng các tuyến đường vành đai… tạo nên hệ thống giao thông huyết mạch, đem lại sức hút cho nhà đầu tư cũng như khách hàng an cư.

Trong tương lai, theo Sở GTVT TPHCM, hạ tầng giao thông tại khu Đông cần đầu tư thêm khoảng 300.000 tỷ đồng để thay đổi diện mạo khu vực này, giúp kích hoạt tăng trưởng đối với bất động sản trên địa bàn. Đặc biệt, với điểm sáng hạ tầng nổi bật là sân bay Long Thành - dự án trọng điểm không chỉ tác động đến Việt Nam mà còn có sức ảnh hưởng đối với khu vực Đông Nam Á, bất động sản khu vực phía Đông sẽ lan tỏa sự phát triển hơn nữa theo quy luật vết dầu loang.

Cùng với việc đẩy mạnh hoàn thiện hạ tầng, khu Đông TPHCM đang là một trong những điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI, với sự xuất hiện của Microsoft, Intel, QuantusCorporation (Mỹ), AlliedTelesis (Nhật Bản) hay Samsung (Hàn Quốc)… Mới đây, liên doanh Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) và Tập đoàn Mitsubishi (Nhật Bản) cũng vừa mới rót vào khu Thủ Thiêm 2,2 tỷ USD. Đây là tín hiệu tốt cho thấy, khu Đông có sức hấp dẫn lớn đối với doanh nghiệp nước ngoài, góp phần đưa bất động sản tại đây trở thành "tấc đất, tấc vàng".

Thị trường BĐS Khu Đông sở hữu nhiều "đòn bẩy" để trở thành "tấc đất, tấc vàng" (Ảnh: Nam Long Group).

Cộng hưởng lợi thế từ hạ tầng tỷ USD cùng định hướng phát triển khu công nghệ cao, TPHCM đặt mục tiêu đưa khu Đông trở thành nơi đóng góp chủ lực cho GRDP toàn thành phố trong thời gian tới. Cụ thể, TP Thủ Đức sẽ đóng góp khoảng 30% GRDP cho TPHCM, tương đương 7% GDP cả nước.

TP Thủ Đức cũng đặt mục tiêu trở thành khu đô thị loại I và là khu đô thị sáng tạo phía Đông. Tuy nhiên, nơi này lại thiếu hụt không gian để phát triển các dự án quy mô, đây chính là những "chất xúc tác" thu hút đầu tư, thúc đẩy bất động sản khu vực và các tỉnh giáp ranh tăng trưởng ấn tượng.

Tọa lạc tại quần thể khu đô thị phía Đông, tiếp giáp TP Thủ Đức, khu đô thị tích hợp Izumi City do Tập đoàn Nam Long hợp tác cùng đối tác Nhật để phát triển có quy mô lên tới 170 ha cùng tổng vốn đầu tư 18.600 tỷ đồng.

Phối cảnh tổng thể dự án Izumi City tọa lạc tại vị trí sở hữu khả năng kết nối ưu việt.

Trong tương lai, khi các tuyến cao tốc và metro kéo dài được hình thành, từ Izumi City, cư dân có thể nhanh chóng tiếp cận đến các trung tâm kinh tế - tài chính - du lịch trọng điểm của vùng Đông Nam Bộ cũng như trung tâm TPHCM. Chính vì thế, dự án được kỳ vọng sẽ thu hút giới đầu tư trên thị trường bất động sản cuối năm 2021.

Nguồn: Dân Trí