31/07/2023

Tăng tốc triển khai nhà ở xã hội

VTV.vn - Với những định hướng rõ ràng và nhiều chính sách thúc đẩy, gỡ khó sẽ là cú hích giúp tăng tốc triển khai nhà ở xã hội.

Kỳ vọng an cư lạc nghiệp tại các dự án nhà ở xã hội

4 tháng qua, nhiều tỉnh thành đã quyết liệt triển khai thực hiện Nghị quyết 33 của Chính phủ với các giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; cũng như thực hiện đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội từ nay đến 2030. Nhiều tín hiệu tích cực đã được ghi nhận.

Tại nhiều địa phương, các kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, nhà giá bình dân đang được đẩy nhanh và đến nay nhiều dự án nhà ở xã hội kỳ vọng sẽ giúp người dân an cư lạc nghiệp.

Dự án Khu nhà ở công nhân và chuyên gia tại tỉnh Quảng Ninh được đầu tư đồng bộ hạ tầng, tiện ích đầy đủ như công viên cây xanh, trường mầm non, phòng khám, hiệu thuốc... Đặc biệt, giá bán chỉ từ 7,1 triệu đồng/m2, tức giá một căn hộ chỉ khoảng vài trăm triệu đồng, góp phần giải quyết nhu cầu cấp bách về nhà ở cho đối tượng công nhân và chuyên gia, giúp người lao động "an cư lạc nghiệp".

"Dự kiến, tháng 8/2023 sẽ đưa tòa nhà đầu tiên vào hoạt động, đến tháng 12 tiếp tục đưa thêm 2 tòa vào hoạt động, đáp ứng khoảng gần 500 căn hộ", ông Lê Văn Hiếu, Giám đốc Xí nghiệp Quản lý vận hành KCN Đông Mai, thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh, cho biết.

Không chỉ Quảng Ninh lấy phát triển nhà ở xã hội làm một trong những chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương, nhiều thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh - nơi mà nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn cũng đang thực hiện theo đúng tinh thần đó của Nghị quyết 33.

Nhiều dự án nhà ở xã hội kỳ vọng sẽ giúp người dân an cư lạc nghiệp. Ảnh minh họa.

Nhiều doanh nghiệp đầu ngành địa ốc đang nắn dòng tín dụng về phân khúc nhà giá rẻ, mức giá phù hợp với thu nhập và nhu cầu ở thực của người lao động.

"Giá xấp xỉ tạm tính khoảng 16,17 triệu/m2. Đặc điểm là ngoài chất lượng thì cư dân của khu nhà ở xã hội còn được tận hưởng toàn bộ hạ tầng của khu đô thị hiện đại", ông Lê Nguyễn Minh Quang - Tổng Giám đốc Công ty Nam Long ADC cho hay.

Để thực hiện hoá Đề án 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội từ nay tới 2030 của Chính phủ, TP Hồ Chí Minh cũng đã tổng hợp 87 khu đất hoặc dự án có mục tiêu đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân. Còn TP Hà Nội nỗ lực tới 2025 sẽ có 12.000 căn nhà ở xã hội bán ra thị trường.

Thúc đẩy quá trình phát triển nhà ở xã hội

Hiện cả nước có 418 dự án nhà ở xã hội đang được triển khai, với quy mô xây dựng hơn 430.000 căn. Nghị quyết 33 đưa ra nhiều giải pháp cụ thể, xác định nhiệm vụ của từng cơ quan bộ ngành chức năng, từng khu vực, địa phương, cho tới các ngân hàng, tổ chức tín dụng…

Mục tiêu để tháo gỡ vướng mắc và triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản nói chung và thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội nói riêng. Cùng với đó, dòng vốn ưu đãi 120.000 tỷ đồng giờ đã bắt đầu được giải ngân sẽ thúc đẩy quá trình phát triển nhà ở xã hội tăng tốc.

Chỉ từ đầu năm tới nay, phân khúc nhà ở xã hội "tạo sóng" khi nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn đầu ngành liên tục công bố tham gia thị trường này.

Tại TP Hà Nội, ngay từ khâu lập quy hoạch các phân khu chức năng, các quận huyện cũng phải xác định rõ quỹ đất bố trí cho nhà ở xã hội tới từng dự án.

Ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch UBND quận Long Biên, Hà Nội cho biết: "Chúng tôi đã rà soát 5 dự án và 5 dự án này đều được thành phố chấp thuận để lại quỹ đất 25% theo Nghị quyết HĐND thành phố, tức cao hơn 5% so với Nghị quyết 49 của Chính phủ. Và toàn bộ quỹ đất này hiện nay đã được thành phố quyết định phê duyệt làm đất cho nhà ở xã hội".

Ông Bùi Tiến Thành - Trưởng phòng Phát triển đô thị, Sở Xây dựng Hà Nội cho hay: "Làm sao có quy trình riêng lựa chọn chủ đầu tư, thời gian rút ngắn xuống gọn hơn so với quy định về đấu thầu, để đẩy nhanh việc lựa chọn chủ đầu tư, từ đó hình thành các cái dự án mới".

Còn mới đây, TP Hồ Chí Minh ngoài cắt giảm thủ tục hành chính đã đôn đốc các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, khu đô thị xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20%, nếu không thực hiện đúng tiến độ sẽ thu hồi và giao cho chủ đầu tư khác. Nhiều tỉnh thành cũng rút ngắn thời gian thẩm định hồ sơ vay vốn của các dự án.

Dự báo, khi các thủ tục hành chính cắt giảm, nguồn vốn 120.000 tỷ đồng đủ ngấm vào phân khúc nhà ở xã hội, thì các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sẽ cơ bản đáp ứng được khoảng gần 80% nhu cầu về nhà ở xã hội từ nay tới 2025.

Nhu cầu nhà ở xã hội là cấp thiết, người dân rất mong chờ những dự án này. Giờ đây, với những định hướng rõ ràng và nhiều chính sách thúc đẩy, gỡ khó sẽ là cú hích giúp tăng tốc cũng như thu hút được ngày càng nhiều các doanh nghiệp bất động sản lớn tham gia phát triển phân khúc nhà ở xã hội.

Phát triển nhà ở xã hội đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm của nhiều địa phương, cơ quan, từ đó có nhiều giải pháp, cách làm mới nhằm rút ngắn các thủ tục hành chính rườm rà, đẩy nhanh tốc độ thực hiện các dự án nhà ở xã hội.

Nguồn: vtv.vn