16/12/2022

Nam Long dự kiến doanh số 12.305 tỷ đồng năm nay, gấp đôi năm trước

Nam Long tập trung vào dòng tiền thông qua các hoạt động huy động vốn với chi phí thấp nhằm đảm bảo hoạt động kinh doanh. Nửa cuối năm, Công ty huy động được gần 2.000 tỷ đồng.

Huy động gần 2.000 tỷ đồng thời hạn dài

Tại sự kiện NLG Day, ông Trần Xuân Ngọc, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Nam Long (HoSE: NLG) nhìn nhận năm 2022 là một năm nhiều thử thách, khó khăn.

Nhiều vấn đề liên quan tới pháp lý dự án trước đây được Công ty dự đoán sẽ hoàn tất nhanh chóng, nhưng thực tế chậm hơn. Dự kiến cả năm nay, doanh số bán hàng của Nam Long đạt 12.305 tỷ đồng, gấp đôi so với năm trước, phần lớn đến từ các đại dự án Nam Long đang triển khai, đầu tư mạnh mẽ như Southgate (Long An), Akari City (TP HCM), Mizuki Park (TP HCM), Izumi City (Đồng Nai)...

Lý giải sâu hơn, ông Phạm Đình Huy, Giám đốc đầu tư cho biết nguyên nhân chủ yếu liên quan tới tình trạng pháp lý của dự án. Đây là nguyên nhân khách quan, doanh nghiệp không thể kiểm soát.

Theo kế hoạch từ đầu năm, 3 dự án đem lại doanh số cao trong năm nay gồm Cần Thơ, Izumi City và Paragon Đại Phước, ước tính đạt 15.000 tỷ đồng trên tổng số mục tiêu 23.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự án đất nền Cần Thơ dự kiến có quyết định giao đất trong tháng 12, thay vì trong quý II/2022 như dự kiến, còn 2 dự án tại Đồng Nai liên quan tới quy hoạch nên sẽ tiếp tục được hoàn thiện vào thời gian tới.

Tổng giám đốc Trần Xuân Ngọc nói thêm, thị trường khó khăn ảnh hưởng tới niềm tin người mua nhà và cũng ảnh hưởng tới Nam Long. Tiến độ bán hàng trong nửa cuối năm nay so với năm trước chậm hơn rất nhiều. Đơn cử, một số dự án của Nam Long mở bán trước đây ghi nhận lượng đặt cọc giữ chỗ có thể đạt 80 - 90% nhưng hiện tại 50% đã là kết quả đáng khích lệ. Trong thời gian tới, Nam Long sẽ tiếp tục tập trung vào dòng sản phẩm vừa túi tiền đáp ứng nhu cầu ở thực của người dân cũng như đẩy mạnh phân tích thị trường, tiếp tục hợp tác với các đối tác nước ngoài, đưa ra tiến độ thanh toán hợp lý...

Cho năm 2022, ông Ngọc công bố doanh thu ước tính đạt 6.037 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 905 tỷ đồng. Các chỉ số này thực hiện được 75 – 85% so với kế hoạch đã đề ra. Trong bối cảnh thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn từ quý II thì kết quả này thực sự là một sự cố gắng rất lớn của doanh nghiệp.

Ngoài ra, Công ty cũng tập trung vào dòng tiền để đảm bảo hoạt động trong thời gian khó khan sắp đến thông qua các hoạt động huy động vốn với chi phí thấp và thời hạn vay dài.

Tổng giám đốc Nam Long cập nhật trong vài ngày tới của tháng 12, Công ty sẽ nhận giải ngân 500 tỷ đồng từ IFC, hoàn tất khoản vay 1.000 tỷ đồng với kỳ hạn 7 năm, lãi suất cố định. Cùng với đó, Nam Long còn huy động được 941 tỷ đồng từ bán 50% cổ phần dự án Paragon Đại Phước (Đồng Nai) và ký kết hạn mức vay xây dựng 530 tỷ đồng từ Standard Chartered Việt Nam để phát triển dự án Izumi City (Đồng Nai), lãi suất 10,2%/năm, kỳ hạn 3,5 năm.

Như vậy trong nửa cuối năm, Nam Long huy động được tổng cộng 1.973 tỷ đồng để đảm bảo dòng tiền hoạt động.

Tính đến 30/9, Nam Long có vay nợ tài chính khoảng 4.600 tỷ đồng trong khi tiền và tương đương tiền 4.200 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu ròng là 5%. Ông Ngọc đánh giá đây là mức cân bằng, thể hiện dòng tiền của Công ty rất khỏe mạnh và đảm bảo cho việc hoạt động, phát triển và hoàn thiện các dự án. Công ty luôn cân bằng giữa nợ ngắn hạn và nợ dài hạn, các khoản nợ đáo hạn chủ yếu trong năm 2025.

Cụ thể, trong năm 2023, dự kiến Nam Long cần đáo hạn nợ 762 tỷ đồng, năm 2024 là 950 tỷ đồng và năm 2025 là 1.380 tỷ đồng. Kế hoạch kinh doanh và dòng tiền của Nam Long đảm bảo để trả các khoản nợ này.

Thị trường vẫn có tín hiệu tích cực

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch Nam Long đánh giá thị trường bất động sản đang đối mặt nhiều khó khăn như lãi suất cao, room tín dụng giảm. Người dân bị khủng hoảng niềm tin, chủ đầu tư gặp khó khăn về pháp lý, hạn chế dòng tiền dẫn đến khó thanh toán nợ...

Tuy nhiên, một tín hiệu tích cực vẫn đáng được quan tâm, theo ông Quang là tốc độ đô thị hóa ở Việt Nam cao (40%) nhưng vẫn thấp hơn một số nước trong khu vực (60 - 80%). Xét trên nhu cầu thị trường, Việt Nam đang có triển vọng rất lớn trong phát triển nhà ở. Điều này trở thành điểm hấp dẫn của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.

Với Nam Long, Công ty tập trung phát triển các sản phẩm nhà ở phục vụ nhu cầu ở thực, nhà ở vừa túi tiền. Ưu tiên sử dụng sức mạnh "ngoại lực", Nam Long liên doanh với nhà đầu tư quốc tế trong phát triển dự án mà chủ yếu là nguồn vốn giá rẻ từ nhà đầu tư Nhật Bản... Do đó, Nam Long có thể tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Tại sự kiện, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính tiền tệ Quốc gia khẳng định Chính phủ đang chỉ đạo theo hướng phối hợp cùng lúc nhiều biện pháp để tháo gỡ khó khăn cho thị trường tài chính, trong đó có bất động sản.

Nhiều kiến nghị cũng được đưa ra như "cứu" trái phiếu doanh nghiệp, giãn - hoãn thi hành Nghị định 65 thêm 1 - 2 năm để doanh nghiệp phát hành trái phiếu bình thường; cho phép doanh nghiệp tự tái cấu trúc nợ, giãn - hoãn nợ trong điều kiện cho phép; hạn chế tối đa hình sự hóa các vụ việc liên quan trái phiếu. Các biện pháp này đều đạt được sự đồng thuận và kỳ vọng có thể "cởi trói" cho thị trường bất động sản trong tương lai gần.

Nguồn: baodautu.vn