26/05/2021

CEO Nam Long Land: Có thể M&A bệnh viện trường học, thậm chí là một công ty cùng chí hướng

Nam Long hướng tới việc phát triển các khu đô thị quy mô lớn 40 - 50 ha trở lên nhưng cũng có thể phát triển các dự án nhỏ lẻ từ 1 ha.

CTCP Đầu tư Nam Long ( HoSE: NLG ) thời gian qua có sự thay đổi về nhân sự cấp cao. Ông Nguyễn Thanh Sơn được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc mảng phát triển quỹ đất và kinh doanh nhà ở (Nam Long Land). Trước khi lên chức, ông Sơn là Giám đốc điều hành của Nam Long từ năm 2019, từng làm Tổng giám đốc Công ty Xây dựng Vincom - Tập đoàn Vingroup, Phó Tổng giám đốc MIK Group.

Phát triển quỹ đất và kinh doanh nhà ở được xác định là 2 mảng kinh doanh mũi nhọn của Nam Long. Theo định hướng từ Nam Long, ít nhất trong 3 năm tới, 2 mảng này dự kiến tăng trưởng doanh số trung bình 85%/năm và tăng trưởng doanh thu trung bình 72%/năm.

Phóng viên Người Đồng Hành có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Sơn để làm rõ hơn chiến lược của Nam Long với 2 mảng kinh doanh này.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Tổng giám đốc Nam Long Land. Ảnh: NLG

Phát triển các khu đô thị vài chục ha trở lên nhưng cũng làm dự án từ 1 ha

- Ở cương vị là người đứng đầu điều hành 2 lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của Nam Long, ông có kế hoạch mới nào để đẩy mạnh hơn nữa mảng kinh doanh khu đô thị và nhà ở của Nam Long? Ông đánh giá tiềm năng, thách thức của mảng BĐS nhà ở giai đoạn hiện nay là gì? 

- Trong năm nay, Nam Long Land đang trình duyệt HĐQT doanh thu bán hàng 2021 của mảng phát triển khu đô thị và nhà ở vượt mốc 500 triệu USD (khoảng 12.000 tỷ đồng) và gần 4.000 sản phẩm với việc triển khai cùng lúc 6 dự án và khu đô thị trọng điểm. Điều này đòi hỏi rất lớn ở năng lực phát triển dự án không chỉ ở chiều rộng mà còn ở chiều sâu. Tôi cho rằng, nền tảng kinh doanh của một bất động sản nhà ở phải quan tâm đầu tiên là “chất lượng” đối với khách hàng: dịch vụ, nơi đáng sống, giá trị gia tăng và liên kết cộng đồng.

Từ trước đến nay, các sản phẩm của Nam Long đều hướng đến nhu cầu của người ở thật từ mức giá cho đến các tiện ích đi kèm. Các dự án của Nam Long có thể không phải là những dự án sang trọng nhất nhưng phải là những dự án có giá trị và dịch vụ phù hợp với nhu cầu sống của người Việt Nam. Có như vậy, chúng tôi mới có thể tạo nên các khu đô thị đích thực, là trung tâm sống, làm việc, giáo dục, vui chơi, giải trí của từng khu vực nơi chúng tôi phát triển dự án.

Về mảng nhà ở, quỹ đất sạch là một thách thức không chỉ của Nam Long mà còn của rất nhiều chủ đầu tư khác. Tuy nhiên với nhu cầu thị trường còn rất lớn, cần phải tăng đến 70 triệu m2 nhà ở đô thị mỗi năm từ đây đến năm 2030, tôi cho rằng bất động sản nhà ở vẫn là một mảnh đất màu mỡ dành cho sự phát triển. Quan trọng là chúng ta làm sao để thị trường phát triển một cách bền vững, để nhà xây lên đủ chất lượng, đủ tiện ích phục vụ người ở chứ không biến thành những khu đô thị hoang hóa. Đây là một bài toán chung của tất cả chúng ta, từ các nhà phát triển đến các cơ quan quản lý nhà nước.

- Ngoài quỹ đất hiện hữu đang nắm giữ, trong năm 2021, Nam Long dự kiến mở rộng sang những khu vực trọng điểm nào khác, vì sao? 

- Nam Long hiện có 681 ha quỹ đất tại TP HCM Cần Thơ, Long An, Đồng Nai, Hải Phòng. Với định hướng phát triển hạ tầng và phát triển xã hội của các thành phố lớn và định hướng phát triển 10 năm tới của Nam Long dưới sự tư vấn từ Mckinsey, thị trường Hà Nội và các đô thị cấp 2 như Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Nhơn Trạch (Đồng Nai), Bắc Ninh, Hưng Yên, Quảng Ninh sẽ là những khu vực trọng điểm mới. Chúng tôi xác định đây là những khu vực và thành phố có tiềm năng phát triển kinh tế, thu hút lực lượng lao động có nhu cầu an cư lớn. Nam Long đánh giá mức độ khả thi cho việc triển khai một khu đô thị tích hợp ở những thị trường này, có thể được lấp đầy và vận hành các tiện ích dịch vụ đi kèm, tạo giá trị đô thị thực sự cho khu vực mà mình đầu tư. Trong 10 năm tới, Nam Long sẽ dành khoảng 2.000 tỷ đồng mỗi năm để phát triển quỹ đất mới.

- Càng ngày, Nam Long càng làm các đô thị quy mô lớn (40 - 50 ha, thậm chí vài trăm ha) thay vì dưới 10 ha như giai đoạn 2015 - 2020. Tại sao Nam Long lại hướng đến những khu đô thị lớn như vậy? Chiến lược của công ty có phải ngày càng "phình to" quy mô dự án, điều này có ảnh hưởng tới các thương vụ M&A?

- Như đã chia sẻ, Nam Long hướng tới việc phát triển các khu đô thị quy mô lớn, trong đó gồm nhiều dự án thành phần nhỏ nhưng trên một bức tranh quy hoạch chung. Khi có quy hoạch tổng thể, đô thị sẽ có đầy đủ các chức năng không đơn thuần để ở mà còn phục vụ cho giáo dục, mua sắm, giải trí. Việc phát triển những hệ sinh thái này chính là mảng kinh doanh cốt lõi thứ 3 của Nam Long và sẽ được nghiêm túc phát triển trong những năm tới. Khi khai thác các bất động sản ngoài nhà ở, chủ đầu tư sẽ thu được nguồn lợi nhuận ổn định để vượt qua mọi rủi ro từ thị trường nếu có, bảo đảm cho việc kinh doanh được tăng trưởng bền vững.

Tôi không cho rằng việc phình to dự án làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các thương vụ M&A. Trái lại, chúng tôi có một “rổ hàng” đa dạng hơn rất nhiều cho việc hợp tác, bởi mỗi chủ đầu tư sẽ có lợi thế riêng với các mảng kinh doanh cốt lõi của mình. Chúng tôi sẽ không đơn thuần M&A dự án, mà biết đâu sau này sẽ M&A bệnh viện, trường học, shopping mall, hoặc thậm chí là một công ty nào đó cùng chí hướng.

- Tuy nhiên, quỹ đất ở một số thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM có vẻ không thể đáp ứng diện tích lớn mà Nam Long muốn thực hiện dự án. Vậy chiến lược phát triển của Nam Long là gì?

Bên cạnh các khu đô thị, Nam Long vẫn phát triển các dự án nhỏ lẻ có quy mô 1 ha trở lên. 1 ha là con số để Nam Long có thể xây dựng được tiện ích cơ bản đầy đủ cho khách hàng của mình. Chúng tôi rất ưu tiên chất lượng sống của họ. Với từng vị trí Nam Long sẽ lựa chọn những dòng sản phẩm phù hợp với nhu cầu và mức sống của người dân khu vực. Có thể là Ehome, Flora, Valora… Tuy nhiên, sắp tới khi quỹ đất hạn hẹp, Nam Long có thể sẽ mở rộng tệp khách hàng với phân khúc cao hơn bằng dòng sản phẩm mới sẽ ra mắt trong năm 2021. Chúng tôi hi vọng sẽ được thị trường và khách hàng đón nhận.

Phát triển quỹ đất là Nam Long mua đất và gia tăng giá trị

- Xây dựng quỹ đất lớn nhưng thời gian vừa qua, Nam Long cũng có mua đi bán lại một số diện tích ở Đồng Nai để thu khoản chênh lệch lợi nhuận. Chiến lược của Nam Long trong phát triển quỹ đất là gì: có quỹ đất lớn để phát triển dự án trong dài hạn hay để mua đi bán lại, hạch toán lợi nhuận ngay? 

- Thị trường chung hiện nay đang hiểu việc M&A quỹ đất giống như câu chuyện mua đi, bán lại thu khoản chênh lệch lợi nhuận sau một thời gian để dành nhưng đó không phải là cách Nam Long đang làm.

Việc chọn “Phát triển quỹ đất” là một mảng kinh doanh cốt lõi cho thấy đây là một trong những công việc đem lại giá trị thực sự không chỉ cho chúng tôi mà còn cho đối tác của mình. Có rất nhiều công ty có tài chính để mua bán bất động sản, nhưng để phát triển bất động sản từ sơ khai đến hoàn chỉnh, từ một mảnh đất đến toàn bộ khu đô thị thì chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhất là khi thị trường bất động sản Việt Nam của chúng ta cũng còn khá non trẻ, khoảng 20 năm.

Phát triển quỹ đất là Nam Long mua đất và gia tăng giá trị cho quỹ đất của mình bằng kinh nghiệm 30 năm của Nam Long. Chúng tôi làm pháp lý, làm hạ tầng, làm quy hoạch… khi đối tác mua lại, họ đã có thể tự phát triển những khâu phù hợp với khả năng của họ chứ không cần cả một bộ máy.

Chúng tôi cho rằng đây là một mảng kinh doanh vừa có lợi nhuận, vừa có giá trị, vừa khai thác được thế mạnh của mình cũng như có thêm các đối tác chiến lược để cùng chia sẻ các kinh nghiệm, “tinh hoa” của nhau để phát triển các khu đô thị có giá trị cho cộng đồng. Tùy từng thời điểm, chúng tôi sẽ chọn lựa M&A hoặc tự phát triển, tất cả đều đặt lợi ích của cổ đông Nam Long lên trên hết.

- Năm 2021, Nam Long dự kiến doanh thu và lợi nhuận mảng nhà ở đạt bao nhiêu? Các dự án có thể hạch toán trong năm nay?

Nam Long dự kiến doanh thu riêng mảng nhà ở và khu đô thị năm nay khoảng hơn 5.000 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 550 tỷ đồng (bao gồm cả phần của liên doanh mà không hợp nhất vào công ty). Các dự án có thể hạch toán trong năm nay là các dự án thành phần của Southgate (Waterpoint giai đoạn 1), Akari City, Mizuki Park, Flora Novia và Nam Long - Cần Thơ.

- Trong giai đoạn 2021 – 2022, tổng giá trị mở bán của Nam Long có thể đạt bao nhiêu? Đây là cơ sở cho kế hoạch đó?

Chúng tôi có một kế hoạch tăng trưởng rất tham vọng cho 3 mảng cốt lõi của Nam Long trong kế hoạch 3 năm sắp tới. Riêng với mảng nhà ở - khu đô thị và phát triển quỹ đất, tổng giá trị mở bán có thể đạt kỷ lục gần 26.000 tỷ đồng. Tôi có cơ sở và niềm tin mạnh mẽ vào tiềm lực và đội ngũ của mình. Thứ nhất, Nam Long có sẵn một quỹ đất đô thị sạch sẵn có lên đến gần 700 ha tại các vị trí kinh tế trọng điểm. Thứ 2, con số pre-sales đặt chỗ trước sản phẩm của Nam Long khá tốt, thông thường gấp đôi lượng hàng chúng tôi dự kiến đưa ra thị trường. Thứ ba, chúng tôi đang củng cố mạnh mẽ khả năng phát triển bất động sản của đội ngũ nội bộ, nâng cao sự chuyên nghiệp để cải thiện tốc độ và hiệu quả, chất lượng xây dựng sản phẩm.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.

Nguồn: Cafebiz