28/03/2021

Bất động sản khu Nam thắng thế trong “cuộc đua” lên quận

Thị trường bất động sản (BĐS) khu Nam TP.HCM đang tăng dần sức nóng và thu hút người mua trước thông tin về đề án chuyển đổi Nhà Bè và Bình Chánh lên quận.

Giá nhà đất rộn ràng tăng

Mới đây, Sở Nội vụ TP.HCM có tờ trình UBND Thành phố về Đề án chuyển đổi một số huyện thành quận hoặc thành phố giai đoạn 2021-2030. Theo đó, chuyển các huyện Hóc Môn, Bình Chánh và Nhà Bè thành quận hoặc thành phố thuộc TP.HCM giai đoạn 2021-2025. Tương tự, huyện Củ Chi và Cần Giờ sẽ thực hiện trong giai đoạn 2025-2030.

Việc hai huyện ngoại thành phía Nam TP.HCM là Bình Chánh và Nhà Bè dự kiến xét lên quận sớm trong thời điểm 2021-2025 tạo ra tác động lớn đến cả sức mua và giá nhà đất tại khu vực này. Theo tìm hiểu của Batdongsan.com.vn, lượng khách tìm mua nhà đất Bình Chánh, Nhà Bè tăng từ 30-40% trong tháng 3/2021. Nhiều sàn giao dịch trên địa bàn cho hay, lượng khách mua đổ về tìm hiểu thông tin nhà đất tại hai huyện này tăng gần 50-60% nếu so với thời điểm đầu năm, không chỉ là nhu cầu đầu tư mà lượng mua ở thực cũng cao hơn thấy rõ.

Đề án chuyển đổi lên quận trong giai đoạn 2021-2025 đang khiến thị trường nhà đất khu Nam thu hút sự quan tâm của người mua nhà

“Đất Bình Chánh, Nhà Bè lâu nay chỉ người có nhu cầu thật sự mua để ở, nhưng từ khi có thông tin lên quận thì các nhà đầu tư mua đi bán lại đã bắt đầu chú ý đến thị trường khu vực này và đang lùng mua các BĐS tốt để đầu tư. Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng việc đẩy nhanh tiến trình lên quận sẽ là tiền đề kích thích sự phát triển của thị trường BĐS tại hai địa phương này. Họ tranh thủ thời điểm hiện tại khi nhà đất chưa biến động lớn, giá còn ở mức chấp nhận được để mua vào. Động thái này khiến giá đất tăng khá nhanh”, anh Quốc Thái, một môi giới BĐS tại khu vực này cho hay.

Cụ thể, khảo sát thực thế của Batdongsan.com.vn tại khu vực huyện Bình Chánh cho thấy, cuối năm 2018, giá đất trung bình chỉ 25-28 triệu đồng/m2 thì nay đã lên gần 40-55 triệu đồng/m2. Các khu vực cận trung tâm như Bình Hưng, Trung Sơn giá nhà đất giao dịch trung bình từ mức 65-90 triệu đồng/m2 tăng mạnh lên 90-120 triệu đồng/m2. Những nơi gần các khu dân cư, công nghiệp như Phong Phú, Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B đất nền có sổ trước Tết còn bán giá từ 32-40 triệu đồng/m2 hiện nay đã tăng trung bình từ 500 nghìn đến 1,5 triệu đồng/m2. Tương tự, khu vực huyện Nhà Bè, giá đất đã tăng khá mạnh nhất là ở các xã Phước Kiển, Long Hậu và Nhơn Đức, với mức tăng từ 2-5 triệu đồng/m2, tùy theo khu vực. Trong đó, giá đất tăng mạnh nhất là ở khu vực Long Hậu, với mức tăng 30% từ sau Tết Nguyên đán đến nay.

Không chỉ đất nền, giá căn hộ cũng đua nhau tăng, một số chung cư có sổ hồng trên tuyến Lê Văn Lương, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Hữu Thọ, Nhà Bè giá chào bán tăng từ 1-2 triệu/m2. So với Nhà Bè, huyện Bình Chánh có ít dự án căn hộ hơn nhưng giá bán biến động không ít. Tại dự án khu đô thị Mizuki Park, căn hộ Flora Mizuki từ mức giá khởi điểm 27 triệu/m2 thời điểm 2018 tăng lên mức 35-38 triệu/m2, dòng nhà phố/biệt thự Valora từ 40 triệu/m2 hiện giá trung bình vào từ 75-90 triệu/m2.

Cần phát triển hạ tầng xứng tầm gia tăng dân số

Theo ông David Jackson, TGĐ Colliers Việt Nam nhìn nhận, Bình Chánh và Nhà Bè nằm ở cửa ngõ của TP.HCM để kết nối với các tỉnh miền Đông và Tây Nam bộ. Những năm qua, tốc độ đô thị hoá ở các địa phương này diễn ra nhanh, lối sống đô thị hình thành rõ nét và không khác biệt nhiều so với các quận nội thành. So với các khu vực khác của TP.HCM, quỹ đất tại Nhà Bè, Bình Chánh còn nhiều và cũng khá rẻ. Chính vì vậy, vài năm trở lại đây hai khu vực này thích hợp để phát triển các đô thị quy mô lớn. Việc Bình Chánh, Nhà Bè đã có lộ trình chuyển thành quận hoặc thành phố trực thuộc TP.HCM khiến BĐS ở khu vực này tăng nhiệt là điều dễ hiểu. Thực tế, thị trường BĐS ở các khu vực này đã bắt đầu phát triển với việc xuất hiện nhiều dự án được đầu tư cơ sở hạ tầng bài bản, thu hút được người mua thực về ở.

Lợi thế quỹ đất khiến khu Nam TP.HCM trở thành tâm điểm phát triển các dự án đại đô thị quy mô lớn

Ghi nhận hiện nay, khu Nam đã xuất hiện nhiều dự án quy mô như Mizuki Park 26ha của Nam Long Group; Khu dân cư Corona City Bình Chánh, Charmington Golf& Life Bình Chánh, KĐT Tân Tạo Central Park, KĐT Zeigeist Xii Nhà Bè, KDC South Riverside, Lavila De Rio….Trong đó, một số dự án được đầu tư cơ sở hạ tầng bài bản, thu hút được người mua thực về ở như dự án Mizuki Park, đây là khu đô thị quy mô lớn thuộc quỹ đất hiếm hoi ở TP.HCM, được Nam Long triển khai từ năm 2017 bao gồm biệt thự, nhà phố và căn hộ biệt lập. Sau 2 năm bàn giao giai đoạn 1 với tỷ lệ cư dân lấp đầy trên 80%, Mizuki Park vừa động thổ giai đoạn 2 và sắp sửa tung ra sản phẩm mới vào thời gian tới.

10 năm trở lại đây, tốc độ phát triển đô thị ở khu vực Nam Sài Gòn tăng nhanh. Dù mỗi năm TPHCM đều đầu tư hàng chục ngàn tỉ đồng để phát triển hạ tầng khu vực này nhưng vẫn chưa tương xứng với tốc độ phát triển đô thị tại đây khi mà dân cư đổ về đây sinh sống, làm việc ngày càng đông. Để giải quyết vấn đề quá tải hạ tầng, TP.HCM đã lên nhiều phương án, trong đó có việc ưu tiên đầu tư hàng loạt dự án hạ tầng trọng điểm cho khu vực này như mở rộng đường Nguyễn Hữu Thọ từ 4 lên 6 - 8 làn xe, xây dựng cầu số 1, cầu số 2, cầu Phước Kiểng, cầu Bà Chiêm. Đường Lê Văn Lương mở rộng thêm 15m và sẽ xây dựng lại cầu Rạch Đỉa, cầu Long Kiểng, cầu Rạch Dơi, cầu Rạch Tôm. Đặc biệt, tuyến metro số 4 hiện đã "chốt" quy hoạch kỳ vọng sẽ khiến hạ tầng khu Nam có thêm sức bật.

Đánh giá về sự phát triển của thị trường khu Nam, TGĐ Colliers Việt Nam cho rằng, trong thời gian tới đây nhà đất tại Bình Chánh, Nhà Bè sẽ còn tiếp tục sôi động, số lượng dự án mới tại các huyện này được triển khai nhiều hơn đón đầu lộ trình chuyển lên quận trong giai đoạn 2021-2025. Quỹ đất sạch ở các quận nội thành ngày càng eo hẹp, trong khi hai huyện ngoại thành của khu Nam quỹ đất còn rất lớn để triển khai các dự án khu đô thị, khu dân cư quy hoạch mới. Mặt bằng giá BĐS của các khu vực này tăng lên là điều tất yếu, nhất là ở những nơi được xây dựng hệ thống hạ tầng, dịch vụ tiện ích sống tốt hay các khu đô thị quy hoạch bài bản gần trường đại học, bệnh viện, trung tâm thương mại.

Nguồn: CafeF