16/11/2017

Chuyên nghiệp mới thành công !

Năm 2017 là cột mốc đánh dấu 25 năm phát triển của Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (HOSE: NLG) và cũng là năm đầu tiên trong chiến lược phát triển giai đoạn 2017 - 2020 của công ty. Dịp này, TBKTSG có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị NLG.

TBKTSG: Khai sinh và lèo lái con tàu Nam Long suốt 25 năm qua, ông có thể chia sẻ về những thành quả nổi bật đã gặt hái được?

- Ông Nguyễn Xuân Quang: Từ một công ty non trẻ chỉ có bảy nhân viên, sau 25 năm hình thành và phát triển, Nam Long đã xây dựng được hệ thống 15 công ty con, khép kín chuỗi đầu tư và gia tăng giá trị bất động sản với đội ngũ 500 nhân viên. Tính đến nay, Nam Long đã phát triển thành công 8 khu đô thị, tiêu thụ được khoảng 15.000 sản phẩm nhà phố, biệt thự, căn hộ... Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã chuẩn hóa ba dòng sản phẩm chính gồm căn hộ EHome, condominium Flora và biệt thự Valora dựa trên một nền tảng chung là sử dụng thiết kế hiệu quả để tối ưu không gian nhằm mang đến cho khách hàng môi trường sống chất lượng, đầy đủ tiện ích với giá hợp lý nhất.

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là từ một doanh nghiệp tư nhân, Nam Long đã trở thành công ty đại chúng, niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Sau IFC (Worldbank), Mekong Capital, ASPL, Nam Việt Ltd. (Goldman Sachs)... hiện nay Nam Long đang nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ các cổ đông chiến lược nước ngoài như Ibeworth (thuộc tập đoàn Keppel Land), PYN (quỹ đầu tư lớn của châu Âu)... Ở cấp độ dự án, Nam Long cũng có mối quan hệ hợp tác bền chặt với các công ty hàng đầu như Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad (Nhật Bản). Điều này mở ra một môi trường làm việc chuyên nghiệp và cơ hội rút tỉa kinh nghiệm cho đội ngũ nhân viên của Nam Long như ước nguyện ban đầu khi tôi quyết định rời doanh nghiệp nhà nước để “ra riêng”.

TBKTSG: Theo ông, đâu là sự khác biệt của Nam Long so với các doanh nghiệp có cùng bề dày hoạt động trên thị trường bất động sản?

- Trước khi phát triển thành công các dòng nhà ở vừa túi tiền như EHome hay Flora, Nam Long đã đầu tư thành công nhiều khu đô thị như Nam Long - Tân Thuận Đông (28 héc ta, quận 7), Nam Long - Phước Long B và Phước Long B mở rộng (gần 50 héc ta, quận 9), Nam Long - Hưng Thạnh (33 héc ta, Cần Thơ), khu biệt thự Thảo Nguyên Sài Gòn (quận 9)... với những sản phẩm cao cấp. Tuy nhiên, giữa lúc thị trường phát triển “nóng”, chúng tôi nhìn ra nhu cầu nhà ở quá lớn của tầng lớp có mức thu nhập trung bình, chiếm đến 65% dân số. Một doanh nghiệp muốn phát triển bền vững thì sản phẩm phải phục vụ cho nhu cầu của số đông. Do vậy, chúng tôi đã quyết định dành nhiều nguồn lực hơn cho việc phát triển phân khúc sản phẩm vừa túi tiền, góp phần giải quyết bài toán nhà ở cho xã hội.

Thời điểm này, dòng sản phẩm cao cấp vẫn đang chiếm hơn 50% trong cơ cấu doanh thu cũng như lợi nhuận của Nam Long nhưng đối với phân khúc này, chúng tôi dần chuyển sang hình thức đầu tư mới là hợp tác với các đối tác mạnh về tài chính và kinh nghiệm của nước ngoài để thực hiện. Tại các dự án này, Nam Long góp vốn bằng quỹ đất, thậm chí là đầu tư tài chính; phần phát triển dự án chúng tôi để cho các đối tác có thế mạnh hơn đảm trách. Cách làm này giúp cho Nam Long tập trung nguồn lực tốt hơn đồng thời cũng phân tán được rủi ro phát sinh.

TBKTSG: Vì sao Nam Long thường chọn phương thức hợp tác với đối tác nước ngoài như Hankyu Realty, Nishi Nippon Railroad... để triển khai dự án mà không thực hiện một mình?

- Trong quãng đời doanh nhân của mình, tôi đã nhiều lần chứng kiến biến động lớn của thị trường tài chính cũng như lĩnh vực bất động sản. Ví dụ như thời điểm 2011-2012, lãi suất vốn vay ngân hàng trong nước bị đẩy lên đến 25-27% khiến các chủ đầu tư lạm dụng đòn bẩy tài chính bị “sập bẫy”, dẫn đến tình trạng bị thâu tóm hay đứng trước nguy cơ phá sản. Tôi cho đây là bài học lớn để cảnh giác trong quá trình quản lý, điều hành doanh nghiệp với mục tiêu phát triển bền vững.

Hơn nữa, một mục tiêu quan trọng trong hoạt động của Nam Long là hòa nhập với dòng chảy tài chính quốc tế. Ở đâu có dòng vốn rẻ, luân chuyển tốt thì chúng tôi tìm cách tiếp cận để mang lại lợi ích tốt hơn cho công ty và khách hàng. Điều này mang lại lợi ích rất lớn là bên cạnh dòng vốn, chúng tôi buộc phải chủ động nâng cao trình độ quản lý, sự minh bạch, cách thức làm ăn và tích lũy kinh nghiệm để có thể đáp ứng được những chuẩn mực của cộng đồng doanh nghiệp quốc tế.

TBKTSG: Gần đây, nhiều doanh nghiệp xuất phát từ vai trò môi giới đã trở thành chủ đầu tư các dự án lớn thông qua con đường mua bán, sáp nhập (M&A) doanh nghiệp hay dự án bất động sản, vì sao một chủ đầu tư như Nam Long dường như vẫn “án binh bất động”?

Đây thực sự là vấn đề mà Nam Long và các cổ đông chiến lược từng rất trăn trở liệu mình có đang bỏ lỡ cơ hội tốt của thị trường? Tuy nhiên, thận trọng xem xét, chúng tôi nhận thấy các dự án được chào mời M&A thời gian qua hầu hết chưa đáp ứng những tiêu chuẩn mà Nam Long đã xác lập cho riêng mình như về quy mô diện tích, hệ thống tiện ích, môi trường, giá thành sản phẩm... Hơn nữa, với việc đang sở hữu hàng chục dự án với tổng quỹ đất hơn 500 héc ta tại các đô thị lớn như TPHCM, Cần Thơ, Đồng Nai, Long An..., bộ máy của Nam Long đã chạy hết công suất mới có thể triển khai đúng kế hoạch kinh doanh. Nếu muốn đầu tư thêm nữa thì phải phát triển bộ máy một cách bài bản và điều quan trọng là phải dự báo tốt rủi ro xảy ra.

Tuy nói vậy, nhưng trên thực tế, khi gặp những quỹ đất tốt, phù hợp kế hoạch phát triển của Nam Long, chúng tôi vẫn sẵn sàng tham gia. Chỉ trong tuần vừa qua,  Nam Long đã nhận chuyển nhượng thành công dự án Hoàng Nam có quy mô 8,5 héc ta với hơn 5.500 căn hộ tọa lạc trên đại lộ Võ Văn Kiệt, cách quận 1 khoảng 10 phút di chuyển về phía Tây. Sắp tới, chúng tôi sẽ tăng cường việc tìm kiếm quỹ đất diện tích lớn để phát triển các dự án khu đô thị, và mở rộng ra thị trường phía Bắc.

TBKTSG: Ông có thể cho biết kế hoạch đầu tư khai thác quỹ đất hơn 500 héc ta của Nam Long?

- Hiện nay chúng tôi đang triển khai cùng lúc ba dự án lớn tại TPHCM gồm Fuji Residence, Kikyo Residence tại quận 9 và đặc biệt là Mizuki Park với quy mô khu đô thị 26 héc ta tại Nam Sài Gòn. Cả ba dự án này đều có sự tham gia của hai đối tác có hơn 100 năm kinh nghiệm phát triển bất động sản tại Nhật Bản là Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad. Họ không chỉ hỗ trợ Nam Long về tài chính mà cả về mặt phát triển sản phẩm, quản lý dự án để đảm bảo xây dựng được một khu đô thị đúng nghĩa, hoàn chỉnh về môi trường sống, tiện ích...

Ngoài các dự án nói trên, Nam Long còn có kế hoạch đầu tư thêm nhiều dự án mới tại TPHCM, Đồng Nai, Cần Thơ, Long An. Đáng chú ý là khu đô thị Waterpoint có quy mô lên đến hơn 350 héc ta (tương đương Phú Mỹ Hưng) tại tỉnh Long An đã được chuẩn bị hơn 10 năm qua. Dịp kỷ niệm 25 năm thành lập này có thể xem là điểm mốc để Nam Long cải tiến bộ máy quản lý, bổ sung nguồn nhân lực nhằm ghi dấu ấn đột phá trong giai đoạn 2017-2020.

TBKTSG: Có ý kiến nhận xét làm nhà cho người ít tiền khó hơn so với làm nhà cao cấp. Là chủ đầu tư của hầu hết các phân khúc nhà ở từ thấp tới cao. Ông bình luận gì về nhận xét này?

Tôi cho rằng dù làm nhà ít tiền hay nhà cao cấp đều cần sự chuyên nghiệp. Tuy nhiên, ở phân khúc cao cấp bạn dễ làm hài lòng khách hàng hơn từ chất lượng đến hậu mãi, dịch vụ, do tỉ suất lợi nhuận cao hơn, từ đó cũng dễ dàng thành công ở việc làm thương hiệu. Với phân khúc nhà ở ít tiền đến “vừa túi tiền” ngoài việc kinh doanh, lợi nhuận, cần xác định mục tiêu đầu tiên là phải có “cái tâm” phục vụ cho số đông người dân, vốn đang có nhu cầu rất lớn về nhà ở. Đặc biệt là khi bạn muốn khát khao đem đến một môi trường sống cao hơn cho cư dân với số tiền mà họ bỏ ra.

Để làm được một dự án giá vừa túi tiền, ngoài quỹ đất thì chuỗi giá trị gia tăng từ việc phát triển sản phẩm, quy hoạch, thiết kế cho đến xây dựng, bán hàng và dịch vụ... đều phải rất chuyên nghiệp để có thể tiết kiệm được chi phí. Điều này không dễ thực hiện nếu không có trải nghiệm và kinh nghiệm phát triển bất động sản đủ lâu. Nam Long rất may mắn khi có được những yếu tố này, nhất là tính chuyên nghiệp và đây là nền tảng giúp chúng tôi phát triển ổn định suốt thời gian vừa qua.